Kem chống nắng được coi là vật bất ly thân của chị em phụ nữ nhưng sản phẩm này cũng dễ gây phiền toái như dị ứng gây ra các tình trạng đỏ da, rộp da, ngứa, rát, nổi ban, mụn nước…
Đến bệnh viện khám trong tình trạng da bỏng rát, bong tróc vảy, có mụn rộp, chị Lê Thùy Trang (23 tuổi, ngụ tại TP.HCM) chia sẻ sau khi dùng kem chống nắng thì dẫn tới dị ứng.
Theo Trang, da chị hay bị tăng sắc tố nên đọc trên mạng nghe nói phải sử dụng kem chống nắng. Trang cũng mua nhiều loại về dùng nhưng hầu như đều có hiện tượng dị ứng. Lần dị ứng này là nặng nhất dù sản phẩm kem chống nắng được quảng cáo là dược mỹ phẩm.
Cũng giống Trang, các bác sĩ BV Da liễu TP.HCM cho biết tại đây cũng có nhiều trường hợp đến khám vì dị ứng kem chống nắng. Ví dụ như trường hợp của chị Bùi Mai An (36 tuổi, ngụ tại Nhà Bè,TP.HCM) đến khám vì da nổi các nốt bong tróc, xung quanh bỏng rát vô cùng khó chịu.
Theo chị An, trước đó da chị hoàn toàn bình thường, khi đi biển chơi cùng gia đình mọi người sử dụng kem chống nắng nên chị An cũng tranh thủ “miết tí kem”. Khi sử dụng thấy da hơi khó chịu nhưng chị nghĩ do mới dùng. Sau đó da đỏ, mặt sưng và bắt đầu nóng rát, bong tróc.
Theo BSCKI. Trịnh Xuân Thủy – Chuyên khoa Da liễu Bệnh viện Quốc tế Minh Anh, TP.HCM, ông vẫn thường hay gặp các trường hợp dị ứng kem chống nắng như viêm da tiếp xúc kích ứng, thường gặp ở nhóm có làn da nhạy cảm hoặc có sẵn bệnh lý nền về da như chàm, vảy nến. Hai, viêm tiếp xúc dị ứng gây nên bởi phản ứng bất lợi của da khi tiếp xúc với một số hóa chất có trong kem.
BS cho biết kem chống nắng là nhóm sản phẩm có chứa một hoặc nhiều thành phần gồm hoạt chất chính với cơ chế hấp thu hay chắn tác hại tia UV, thành phần tạo hương, chất bảo quản và chất nền như lanolin. Vì vậy rất khó xác định nguyên nhân gây viêm da chính xác, nhất là trong bối cảnh kem chống nắng đa dạng, và phát triển mạnh như hiện nay.
Hiện nay trên thị trường có 2 loại kem chống nắng phổ biến là kem hóa học và kem vật lý. Các hợp phần trong kem dễ gây dị ứng gồm có oxybenzone hoặc benzophenone 3, cinnamates, dibenzoylmethanes.
Ngoài các chất trên, dị ứng kem chống nắng còn có thể do người dùng bị dị ứng với hương liệu, chất bảo quản trong kem. Cũng có trường hợp dùng kem chống nắng không dị ứng nhưng khi ra ngoài tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì lại dị ứng nhất là vùng da mặt, vùng da cổ, cánh tay.
Mặc dù được coi là sản phẩm chống lão hóa số một, không thể thiếu nhưng nếu chị em muốn dùng kem chống nắng cần test thử trước. Theo bác sĩ Thủy, cách tốt nhất là tránh tất cả các sản phẩm có chứa chất gây dị ứng không hợp với người dùng.
Thông thường, dị ứng kem chống nắng có thể xảy ra ngay sau khi thoa kem, cá biệt, có một số trường hợp muộn hơn. Dấu hiệu nhận biết gồm đỏ rộp da, ngứa rát, nổi ban, mụn nước… Riêng nhóm có sẵn bệnh chàm và bệnh vẩy nến đặc biệt thì nguy cơ bị dị ứng kem cao hơn.
Trước khi thoa loại kem chống nắng lần đầu tiên bạn nên dùng thử bằng cách bôi một lượng nhỏ kem lên da cổ tay hoặc vùng da nhạy cảm.
Khi chọn kem chống nắng, BS Thủy khuyến cáo bạn nên dùng kem chống nắng phổ rộng, có thành phần khoáng chất với hệ số chống nắng hay còn gọi là SPF từ 30 trở lên.
Nên chọn các dạng chống nắng dạng kem, tránh dạng xịt vì có thể xịt vào mắt. Sau khi bôi kem chống nắng 30 phút mới tiếp xúc với ánh nắng, tốt nhất nên mang trang phục quần dài, áo sơ mi dài tay và đội mũ rộng vành khi ra nắng sau khi bôi kem chống nắng.
Với người dị ứng kem chống nắng và vẫn muốn sử dụng kem chống nắng, bác sĩ Thủy khuyến cáo bạn nên tìm tới bác sĩ da liễu để khám, đánh giá tình trạng da và lựa chọn sản phẩm phù hợp không gây dị ứng, kích ứng da.